Diễn biến Kế hoạch CM-12

Trong năm 1980, tình báo Thái Lan phụ trách công tác huấn luyện biệt kích và cơ sở hậu cần trên đất Thái, cho phép sử dụng cảng Rayon và đảo Samui làm đầu cầu tập kết vũ khí và huấn luyện biệt kích để tiến hành xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường biển, còn cục Hoa Nam hỗ trợ tin tình báo quốc nội, và các phương tiện hoạt động như in đến 300 triệu tiền Việt Nam giả, cung cấp vũ khí hệ XHCN cho lục lượng biệt kích, một số tàu chở biệt kích thậm chí từ Thái Lan vòng lên đảo Hải Nam để lấy vũ khí và trang bị, nhằm đánh lạc hướng hải quân Việt Nam, rồi vòng xuống phía Nam tiếp cận khu vực Cà Mau. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, các tổ chức hậu thân của Việt Nam Cộng hòa bắt tay với một nước Cộng Sản nhằm lật đổ hệ thống chính trị ở một nước Cộng sản khác. [1]

Kế hoạch CM-12 (hai chữ cái CM lấy hai chữ cái đầu của Cà Mau, còn 12 là ngày xuất phát của Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam - 12 tháng 5 năm 1981) còn là tên của phần cốt lõi nhất trong chiến dịch, đó là kế hoạch đón lõng và bắt giữ tổ chức này cùng khối lượng lớn vũ khí và tiền giả của tổ chức trên thâm nhập Việt Nam từ vùng bờ biển tỉnh Cà Mau trong các năm 1981-1984. Công an Việt Nam giả làm lực lượng biệt kích đã thâm nhập để liên lạc với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh nhằm tiếp tục phát hiện lực lượng cũng như vũ khí và tiền của tổ chức này, đồng thời ngăn chặn các kế hoạch phá hoại an ninh quốc gia mà tổ chức này định thực hiện.

Cho đến tháng cuối năm 1983, Lực lượng An ninh thực hiện kế hoạch CM-12 đã buộc đối phương xâm nhập theo kế hoạch của Ban chuyên án, với 15 chuyến bằng đường biển với 30 lượt tàu vào vùng biển Cà Mau, bắt toàn bộ 126 "gián điệp", biệt kích từ nước ngoài về, thu 132.278 kg vũ khí, 299.750.000 đồng tiền giả... Lực lượng chống đối chính phủ đã bị buộc phải khai ra 10 tổ chức và một số đầu mối trong nội địa.

Ngày 9 tháng 9 năm 1984, hai con tàu thâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam đã bị bắt giữ cùng Mai Văn HạnhTrần Văn Bá. Lê Quốc Túy do bị bệnh nặng nên đã không đi cùng chuyến này. Kế hoạch CM-12 kết thúc.

Ngày 14 đến ngày 18 tháng 12 năm 1984, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân Tối cao đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt tử hình 5 người, tù chung thân 3 người, tù từ 8 đến 20 năm 13 người.

Trong ba năm tiếp theo, giai đoạn tiếp nối của CM-12 - kế hoạch ĐN-10 - diễn ra tại Đồng Nai, là chuyên án riêng trong kế hoạch CM-12, nhằm đón lõng các toán biệt kích đổ bộ vào tỉnh Đồng Nai theo đường biển và hướng Campuchia. Tuy nhiên, trong chuyên án này xuất hiện một số khó khăn không đáng có như giai đoạn đầu chuyên án, Giám đốc Công an Đồng Nai Mười Văn bị bắt và sau đó là tử hình do tổ chức vượt biên và tham ô, còn giai đoạn sau, thì phó giám đốc Công an phụ trách an ninh Nguyễn Văn Hiệp, bị bắt vì tham nhũng, sau đó bị thủ tiêu vào năm 1990.